VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin với 50 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa nhật 3-4-2011, ĐTC Biển Đức 16 diễn giảng về ý nghĩa Chúa nhật vui mừng và nhắc nhớ Đức Gioan Phaolô 2 sắp được phong chân phước. Chúa nhật thứ tư mùa chay hôm qua, theo phụng vụ, cũng được gọi là Chúa nhật “Vui Mừng”, nên trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn về ý nghĩa Chúa nhật này cùng với bài phúc âm về phép lạ Chúa chữa lành người mù bẩm sinh. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến,

Hành trình mùa chay chúng ta đang sống là một thời điểm ân phúc đặc biệt, trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm lòng từ nhân của Chúa đối với chúng ta. Phụng vụ chúa nhật hôm nay, chúa nhật được gọi là “Laetare”, mời gọi hãy vui mừng, hân hoan, như ca tiền xướng nhập lễ diễn tả: “Hãy vui lên hỡi Jerusalem, và tất cả những người mà ngươi yêu mến, hãy tụ họp lại. Hãy vui mừng và hân hoan, anh chị em là những người trước kia ở trong buồn sầu: hãy đón nhận dồi dào ơn an ủi dành cho anh chị em” (Xc Is 66,10-11). ĐTC đặt câu hỏi: “Đâu là lý do sâu xa của niềm vui ấy? Phúc âm hôm nay nói với chúng ta điều ấy, trong Phúc Âm Chúa Giêsu chữa lành một người mù bẩm sinh. Câu Chúa Giêsu hỏi người mù là tột đỉnh của trình thuật: “Anh có tin nơi Con Người không?” (Ga 9,35). Người ấy nhìn nhận dấu lạ Chúa Giêsu làm và tiến từ ánh sáng của đôi mắt đến ánh sáng của đức tin: “Lạy Chúa, con tin!” (Ga 9,38). Cần nêu bật sự kiện một người đơn sơ và chân thành, dần dần thực hiện một cuộc hành trình đức tin; thoạt đầu anh gặp Chúa Giêsu như một “người” giữa bao nhiêu người khác, nhưng rồi anh coi Ngài là “một ngôn sứ”, sau cùng đôi mắt anh mở ra và anh tuyên xưng Ngài là “Chúa”. Đối ngược với đức tin của người mù được chữa lãnh có sự cứng lòng của những người Biệt Phái không muốn chấp nhận phép lạ, vì họ từ khước đón nhận Chúa Giêsu là Đức Messia. Trái lại, đám đông dân chúng dừng lại thảo luận về những gì đã xảy ra và đứng xa xa, dửng dưng. Cả cha mẹ của người mù cũng bị khuất phục vì sợ phán đoán của người khác.

“Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào trước Chúa Giêsu? Vì tội của Adam, cả chúng ta cũng bị mù bẩm sinh, nhưng nơi giếng rửa tội, chúng ta được ơn thánh của Chúa Kitô soi sáng. Tội lỗi đã làm thương tổn nhân loại và dẫn loài người vào trong tối tăm của sự chết, nhưng trong Chúa Kitô, cuộc sống mới mẻ và mục tiêu mà chúng ta được mời gọi đạt tới, sáng tỏ rạng ngời. Nơi ngài, chúng ta được Thánh Linh củng cố và chúng ta đón nhận sức mạnh để chiến thắng sự ác và làm điều thiện. Thực vậy, đời sống Kitô là một tiến trình liên tục trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, là hình ảnh con người mới, để đạt tới sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Chúa Giêsu là 'Ánh sáng thế gian' (Ga 8,12) vì nơi Ngài “tri thức về vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa rạng ngời” (2 Cr 8,12) tiếp tục tỏ cho thấy trong lịch sử phong trần phức tạp đâu là ý nghĩa cuộc sống con người. Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến sáng, việc thắp sáng cây nến Phục Sinh lớn tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu giúp hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho cuộc sống của mình được mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, thì sẽ cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi tất cả những gì đe dọa sự thể hiện viên mãn của cuộc sống ấy. Trong những ngày này chúng ta chuẩn bị lễ Phục Sinh, chúng ta hãy khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị bóp nghẹt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân.

Chúng ta hãy phó thác hành trình mùa chay cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, để tất cả mọi người có thể gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói thêm rằng: “Anh chị em thân mến, hôm qua, 2-4 là lễ giỗ thứ 6 vị Tiền Nhiệm yêu quí của tôi, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2. Vì lễ phong chân phước cho ngài sắp đến gần, nên tôi không cử hành lễ cầu hồn cho ngài như mọi khi, nhưng tôi nhớ đến ngài với lòng quí mến trong kinh nguyện, cũng như tôi nghĩ đến tất cả anh chị em. Trong khi chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh qua hành trình mùa chay, chúng ta cũng vui mừng tiến đến gần ngày mà chúng ta có thể tôn kính vị Đại Giáo Hoàng và chứng nhân của Chúa Kitô như chân phước, và chúng ta càng phó thác hơn nữa cho sự chuyển cầu của ngài.

ĐTC cũng lần lượt chào thăm các tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng chính: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Croat, Ba Lan và Italia. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nhắc nhở rằng: “Trong khi chân thành kiểm điểm cuộc sống, chúng ta hãy đón nhận ơn thánh đổi mới của bí tích Thống Hối, thanh tẩy cái nhìn của chúng ta. Xin Mẹ Maria, mẫu gương đức tin của Giáo Hội, cầu bầu cho chúng ta trong Mùa Chay này!”

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC cũng nhắc đến phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù bẩm sinh, và nhận định rằng việc Chúa chữa lành đôi mắt thể lý ấy không phải là mục đích Chúa nhắm tới. Ngài hướng tới một điều cao cả hơn. Chúa Kitô mở đôi mắt tâm hồn cho người mù được chữa lành, để anh ta quì gối trước Chúa Giêsu và tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, con tin”. Chúa Kitô, Ánh sáng thế giới, cũng sẽ mở đôi mắt chúng ta để nhận ra vẻ đẹp của đức tin. Ngài muốn cứu độ cuộc sống chúng ta. Xin Chúa tháp tùng anh chị em bằng ơn thánh của Ngài.”

Hiện diện tại quảng trường có đông đảo các tín hữu Ba Lan. Họ vui mừng vẫy cờ Trắng Đỏ của quê hương.

Cũng nên nói thêm rằng nhân lễ giỗ lần thứ 6 của Đức Gioan Phaolô 2, nhiều sáng kiến đã được tổ chức đây đó trong Giáo hội, như tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá của Giám hạt Opus Dei, một hội nghị đã được tổ chức và trong số các thuyết trình viên, đặc biệt có ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh. Lên tiếng trong dịp này, ĐHY minh xác rằng Đức Gioan Phaolô 2 được phong chân phước, không phải vì ảnh hưởng của Người trên lịch sử hoặc trên Giáo hội Công giáo, nhưng vì cách Người sống các nhân đức Tin, Cậy, Mến và các nhân đức Kitô giáo. Tuy án phong của Người được ưu tiên tiến hành, nhưng tiến trình điều tra được thực hiện rất kỹ lưỡng và tỉ mỷ, theo những qui luật mà chính Đức Gioan Phaolô 2 đã ban hành năm 1983.

ĐHY Amato giải thích thêm rằng Giáo hội muốn đáp ứng tích cực hy vọng của nhiều tín hữu Công Giáo mong được thấy Đức Gioan Phaolô 2 sớm được phong chân phước, nhưng Giáo Hội cũng muốn chắc chắn Đức Cố Giáo Hoàng được ở trên trời. Tiến trình phong thánh là một trong những lãnh vực của đời sống Giáo hội trong đó cảm thức đồng thuận của các tín hữu, gọi là “sensus fidelium” thực sự là đáng kể. Từ khi Đức Gioan Phaolô 2 qua đời ngày 2-4-2005, Dân Chúa bắt đầu tuyên xưng sự thánh thiện của Người, và mỗi ngày có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn người đến viếng mộ của Người mỗi ngày. Một dấu hiệu khác nữa, đó là con số các tiểu sử được xuất bản về Người và con số các tác phẩm của người được dịch và tái bản. “Trong tiến trình án phong chân phước, có “Vox populi”, Ý dân, phải được tháp tùng bằng Ý Chúa, Vox Dei, là các phép là, và Vox Ecclesiae, tiếng nói của Giáo hội, là phán quyết chính thức được ban hành sau khi hỏi cung các nhân chứng tận mắt,tham khải ý kiến của các sử gia, bác sĩ, thần học và các vị lãnh đạo Giáo hội để kiểm chứng sự thánh thiện của ứng viên.

ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh cũng giải thích rằng phong chân phước và phong thánh không phải là nhìn nhận sự hiểu biết cao cả của một người về thần thọc, hoặc những công trình cao cả của họ. Khi phong thánh, Giáo hội chứng thực sự kiện người ấy đã sống các nhân đức Kitô giáo một cách ngoại thường và là mẫu gương cho các tín hữu khác. Ứng viên phải được cảm nhận như “một hình ảnh của Chúa Kitô”.

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: Vietvatican