01/03/11 THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31

 

SẼ ĐƯỢC GẤP TRĂM


“Anh em sẽ nhận được gấp trăm ở đời này cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,30b)


Suy niệm: Làm việc gì, ai cũng mong muốn thu được những kết quả sinh lời. Cùng một tâm trạng đó, các môn đệ cũng tự hỏi theo Đức Kitô, họ được gì, mất gì… Phêrô nói thay cho cả nhóm, tuy không nói trắng ra, nhưng cách nói bỏ lửng của ông không giấu nổi nỗi băn khoăn: liệu những gì các ông đang nhắm đạt được có bõ công các ông “bỏ mọi sự mà theo Thầy” không!

 

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu cũng không giấu diếm rằng những sự ngược đãi, khó khăn đang chờ đợi các ông, nhưng Ngài cũng xác quyết ai theo Ngài sẽ được “gấp trăm ngay ở đời này, và cả sự sống vĩnh cửu đời sau” nữa.


Mời Bạn: Nghe Lời Chúa, chúng ta có bước theo Ngài với tất cả sự tin tưởng và an tâm không? Hay là chúng ta còn nghi ngại điều gì? Khi Chúa mời gọi bạn tin theo Ngài, Ngài không chỉ hứa hẹn cho bạn phần thưởng mai sau mà còn cam kết cho bạn được “gấp trăm ngay ở đời này” nữa. Có điều bạn đừng quên rằng bên cạnh đó cũng có cả những sự ngược đãi, khó khăn và cũng đừng vì mải mê tìm kiếm những sự đời này mà bạn bị cản trở không thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.


Chia sẻ: Khi bạn tin theo Chúa, điều gì làm bạn ưu tư, băn khoăn nhất?


Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết can đảm dấn thân theo Chúa, để chúng con luôn xứng đáng làm môn đệ trung tín của Ngài. Amen.





02/03/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Mc 10,32-45

 

PHỤC VỤ QUÊN MÌNH


“Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
(Mc 10,45)


Suy niệm: Trong những ngày Tết vừa qua, nghệ sĩ hài Hoài Linh đắt sô đến độ phải ăn cháo để kịp giờ phục vụ cho khán giả. Những khoản cát-xê nặng ký dành cho anh cũng là xứng đáng với công sức anh đã bỏ ra để đem lại tiếng cười vui tươi cho nhiều người dịp Tết.


Chúa Giêsu đến trần gian để đem lại cho mọi người niềm vui lớn lao và đích thực, đó là niềm vui cứu độ; để làm điều đó Chúa đã hiến thân phục vụ đến độ hy sinh cả mạng sống mình để làm giá chuộc muôn người. Nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đến việc Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ, chịu chết…, nhưng các môn đệ dường như không hiểu, lại còn đòi cho được ngồi bên hữu và bên tả Ngài. Đi theo Chúa như đám đông dân chúng có lẽ không khó, nhưng để sống tinh thần phục vụ như Chúa thì phải dám từ bỏ chính mình cách triệt để.


Mời Bạn: Trên bước đường theo Chúa, hẳn có lúc bạn cũng muốn được một cái gì đó, một địa vị, một tiếng tăm… Hôm nay, một lần nữa Chúa nhắc nhở bạn: Ai muốn làm lớn thì phải trở nên người rốt hết và giống như Ngài phục vụ đến hy sinh mạng sống cho người khác.


Chia sẻ:
Đối với bạn điều gì khiến bạn khó phục vụ với tinh thần của Chúa?


Sống Lời Chúa: Trở nên nhỏ bé khiêm nhường trong những việc phục vụ âm thầm. Tin rằng Chúa nhìn thấy những việc đó và đang mỉm cười một cách hài lòng với bạn.


Cầu nguyện: Lay Chúa Giêsu, xin dạy con sống phục vụ quảng đại như Chúa. Xin dùng con như khí cụ nhỏ bé của Chúa để thực hiện một điều gì đó tốt đẹp cho tha nhân.




03/03/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Mc 10,46-52

 

TRỞ NÊN ĐỒNG HÀNH


“Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,48)


Suy niệm: “Xin dủ lòng thương tôi”, lời này thường được thốt ra nơi môi miệng của những người đang gặp cảnh khốn khó hay bi đát. Có lẽ đây cũng là ‘điệp khúc’ của anh mù Ba-ti-mê mỗi khi nghe tiếng bước chân đi ngang qua vệ đường, chỗ anh ngồi ăn xin. Đám đông cùng đi với Đức Giê-su đã đáp lại lời van xin của anh bằng tiếng quát nạt hết sức vô cảm“im đi!”. Những người cùng đi với Đức Giê-su là ai? Chắn chắn có các môn đệ Người; cũng có thể có những người đã được Chúa chữa lành cho và những người đi theo để nghe Ngài rao giảng cũng như để chứng kiến những việc kỳ diệu Ngài làm. Mặc dù cùng đi với Ngài nhưng họ chưa “đồng hành” (giống nhau về hành động) với Ngài. Họ đi để tìm kiếm một điều gì đó cho riêng mình, còn Ngài đi để tìm và đáp thỏa những tâm hồn cần lòng xót thương. Bao lâu chưa trở nên giống Ngài trong hành động thì bấy lâu họ còn đối xử thô bạo với những kẻ cần lòng xót thương.


Mời Bạn: Con Thiên Chúa xuống thế làm người để tỏ cho nhân loại thấy tình yêu của Chúa Cha. Vì thế, tin theo Chúa không đơn thuần là đi đến nhà thờ hay mang danh Ki-tô hữu, mà phải cảm nhận tình yêu của Ngài để rồi tiếp tục chia sẻ tình yêu thương đến tha nhân. Không phải Ngài đã bảo với chúng ta: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” sao (Ga 13,35)?


Sống Lời Chúa:
Siêng năng kết hiệp với Bí Tích Thánh Thể -nguồn mạch tình yêu- để tình yêu nơi chúng ta không bị cạn kiệt.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin xót thương con để con cũng biết xót thương anh em con. Amen.




04/03/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Th. Caximia

Mc 11,11-26

 

ĐỀN THỜ TÂM HỒN


“Nhà Cha Ta được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc, mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Mc 11,17b)


Suy niệm: Đã từ bao đời nay, nơi đền thờ Giêrusalem, người ta vẫn được phép buôn bán: chiên cừu, bồ câu, và kể cả “dịch vụ” đổi tiền – đổi tiền Rô-ma lấy tiền Do Thái để dùng trong đền thờ – những thứ đó đều là phẩm vật dùng vào việc tế tự. Đứng đàng sau là cả một thế lực đầy thẩm quyền là các thượng tế và kinh sư chuẩn nhận việc buôn bán ở đó. Ông Giêsu này là ai mà dám thay đổi cục diện này?! Thế nhưng, lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thúc đẩy Ngài bện dây thừng làm roi xua đuổi bọn người buôn bán để tẩy uế đền thờ. Với cảm nhận tinh tế, Chúa Giêsu không chấp nhận bất kỳ sự du di, nhượng bộ hoặc pha phôi tinh thần thế tục nào vào việc thờ phượng Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện tối cao, tuyệt đối.


Mời Bạn: Có những ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ nhưng chẳng còn ai đến dự lễ cầu kinh, mà chỉ có khách du lịch đến tham quan như một di tích lịch sử, một công trình nghệ thuật. Cũng có những ngôi thánh đường bị trưng dụng để làm nhà kho, tụ điểm vui chơi, ăn uống, v.v… Tuy nhiên, còn tang thương hơn nữa, có những đền thờ tâm hồn đã được thánh hiến trong Bí tích Rửa tội mà nay đang chứa chất đủ mọi thứ gian tham, mưu mô, hận thù, ghen ghét, đã biến thành một nơi họp chợ, bán buôn mọi sự, chỉ thiếu một mình Chúa.


Sống Lời Chúa: Quyết tâm tẩy uế đền thờ tâm hồn bạn bằng việc kiểm điểm mỗi ngày, và năng đến với Bí tích hoà giải.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con khỏi tội lỗi, để tâm hồn con mãi mãi là đền thờ của Chúa.



05/03/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 8 TN
Mc 11,27-33

 

DÙNG QUYỀN ĐỂ PHỤC VỤ


“Tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mc 11,33)


Suy niệm: Trong vòng một tháng, các nhà lãnh đạo độc tài Ben Ali của Tunisia, rồi Mubarak của Ai Cập bị lật đổ và lưu vong. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã khui ra những khoản tài sản khổng lồ mà họ và gia đình dùng quyền lực để vơ vét từ tài sản quốc gia. Cái vòng xoay vần giữa “quyền” và “lợi” có sức cuốn hút người ta biết bao: Dùng quyền lực để trục lợi, được lợi rồi lại dùng tiền bạc để củng cố quyền lực. Vòng xoay đó có thể đưa người ta lên tuyệt đỉnh danh vọng nhưng cũng chính nó nhấn chìm họ trong thảm hoạ.


Các thượng tế, kinh sư cũng vướng vào cái vòng lẩn quẩn “quyền và lợi” khi họ chất vấn Chúa Giêsu “lấy quyền nào để làm các điều ấy:” việc Chúa thanh tẩy đền thờ đụng chạm đến quyền lợi và thách thức quyền hành của họ. Chúa Giêsu không trả lời họ nhưng câu hỏi ngược lại của Ngài ngầm nhắc nhở rằng mọi quyền bính là từ nơi Thiên Chúa và người nắm quyền phải sống như người tôi tớ phục vụ tha nhân.


Mời Bạn: Đức Kitô dạy chúng ta bí quyết để vượt lên trên cái vòng “quyền và lợi” đó. Đó là con đường gồm ba chặng: - vâng phục ý Chúa Cha; - từ bỏ, hạ mình; - và hiến thân chịu chết trên thập giá (x. Pl 2,6-8). Phần bạn, bạn có sẵn sàng đi con đường ấy chưa? Hay bạn không dám dấn thân vì sợ mất một điều gì đó. Địa vị? Danh tiếng? Của cải?


Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ nho nhỏ âm thầm để nhắc nhớ mình sống tinh thần từ bỏ của Chúa Kitô.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con dám từ bỏ những ham muốn ích kỷ để con sống yêu thương phục vụ, đem lại bình an hạnh phúc cho anh chị em con.



06/03/11 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – A
Mt 7,21-27

 

NGÔI NHÀ ĐƯỢC BẢO HIỂM


“Ai nghe những lời thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… Không đem ra thực hành thì ví được như người dại xây nhà trên cát.” (Mt 7,24-27)


Suy niệm: Nhiều Ki-tô hữu tự hỏi tại sao cuộc đời của họ phải gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác? Họ vẫn tin Chúa mà? Ngôi nhà của họ đã được xây trên ‘đá’ đức tin, nhưng sao nó có vẻ lung lay dễ sụp quá vậy? Thực ra, họ đã gán cho Chúa điều Chúa không nói, ít là ở hai điểm này:


- Thứ nhất: Cái nền đá vững chắc không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm.
- Thứ hai: Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa sa, bão táp. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị nước cuốn và mưa sa đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu? Thưa là nhờ sống thực hành Lời Chúa.


Mời Bạn: Là Kitô hữu, không có nghĩa là bạn được bảo hiểm để tránh khỏi mọi khó khăn. Thực ra khó khăn gian khổ và cả bách hại nữa luôn chờ đợi các kitô hữu ở mọi nơi và mọi thời. Chúa chỉ hứa cho bạn đứng vững trước mọi khó khăn gian khổ ấy, nếu biết thực hành Lời Ngài. Bạn có tin điều đó không?


Chia sẻ: Đứng trước những sóng gió của cuộc đời -nhất là về đời sống đức tin- Bạn thấy mình cần phải điều chỉnh lại điều gì?


Sống Lời Chúa: Thước đo đức tin của tôi là mức độ tôi đem ra thi hành những điều Chúa dạy (Mark Link).


Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tin Chúa là Chúa Tể Càn Khôn. Xin cho chúng con biết đặt trọn niềm tin vào Chúa và sống trọn niềm tin đó bằng việc thực thi Lời Chúa dạy mỗi ngày. Amen.



07/03/11 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Th. Pepêtua và Phêlixita, trinh nữ, tử đạo
Mc 12,1-12

 

CHÚA KHÔNG NHƯ TA TƯỞNG


“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !” (Mc 12,10-11)


Suy niệm: Dụ ngôn “tá điền sát nhân” là một bức tranh đầy những màu sắc chói chang tương phản: vườn nho được ông chủ yêu quý chăm chút như thế mà ông lại giao cho những tên tá điền bất lương; những kẻ làm thuê đó lại coi trời bằng vung, qua mặt cả ông chủ, hành xử ngang ngược độc ác; đối lại, ông chủ lại tỏ ra quá “hiền” khiến họ càng lấn lướt, giết luôn cả người con thừa tự của ông. Sự tương phản đầy bi thảm của dụ ngôn thật khó hiểu: làm sao có thể tin rằng có những tá điền như thế và nhất là có một ông chủ như thế?! Nhưng đó lại là điều Chúa Giêsu muốn nói: đó chính là “công trình kỳ diệu Chúa làm trước mắt chúng ta:” Thiên Chúa đã lật ngược thế cờ, “tảng đá bị thợ xây loại bỏ” nay trở thành “đá tảng góc tường” (Tv 118,22); công trình đó sẽ ứng nghiệm trong cái chết và sống lại của Đức Giêsu, Con Chí Ái của Thiên Chúa.


Mời Bạn: Thiên Chúa thật kỳ diệu không như chúng ta tưởng. Sự bội bạc, tàn ác của con người dù nặng nề mấy đi nữa không thể khiến Thiên Chúa thôi yêu thương, bao dung và tha thứ, trái lại càng cho thấy Ngài nhẫn nại, quảng đại và thương xót vô cùng đối với nhân loại. Bạn nhớ rằng Chúa đang dành cho bạn tình yêu thương đó. Trước tấm lòng Cha như thế, lẽ nào bạn không “cảm” mà trở về với Ngài?


Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm bản thân nào về tình Chúa dành cho bạn như thế không? Mời bạn chia sẻ.


Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ (quỳ gối, chắp tay…) để diễn tả sự cảm nhận tình Chúa và lòng biết ơn của bạn.


Cầu nguyện: Đọc kinh Cám Ơn.



08/03/11 THỨ BA TUẦN 9 TN
Th. Gioan Thiên Chúa, tu sĩ

Mc 12,13-17

 

BỊ GÀI NHƯNG KHÔNG MẮC BẪY


"Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy". (Mc 12,13)


Suy niệm: Thì ra không phải người thường mới bị gài bẫy mà chính Đức Giêsu, dù là Thiên Chúa, nhưng sống trong thân phận con người, cũng không thoát khỏi bị gài. Cả một “phái đoàn” được sai đi với sứ mạng gài bẫy Chúa dính líu vào “chính trị:” Có nộp thuế cho Xê-da hay không. Người ta còn gài bẫy để tố cáo Chúa vi phạm luật Môsê: Có khi chỉ ở mức độ “rình mò” như vụ việc Chúa chữa bệnh hoặc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Cũng có khi “nặng” hơn, mang tầm cỡ một vụ án như vụ người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Những sự gài bẫy đó đều phát xuất và qui về chiến dịch gài bẫy qui mô, dai dẳng của ma quỷ để lôi kéo Đức Giêsu đi trệch khỏi con đường cứu độ Chúa Cha đã hoạch định. Trong tất cả các vụ việc đó, Chúa Giêsu không mắc bẫy bởi Ngài luôn đứng về phía Thiên Chúa và phân định rạch ròi: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”


Mời Bạn: Mang thân phận con người nhưng chúng ta được kêu gọi sống như con cái Chúa. Bạn cảm thấy bị giằng co hay bạn dứt khoát chọn Chúa thay vì Xê-da? Đức Kitô dạy ta luôn nhìn thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa, nhờ đó có được sự phân định sáng suốt và luôn chọn thuộc về Ngài.


Chia sẻ:
Đâu là tiêu chuẩn cho sự phân định những gì thuộc về Thiên Chúa để bạn dứt khoát chọn Ngài?


Sống Lời Chúa: Dành ít phút mỗi ngày xét mình để phân định ý Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin soi sáng và giúp đỡ con sống đời chứng tá cho Tin Mừng giữa đời. Amen.



09/03/11 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

 

CHÀ DÀNH CHO CHÚA MÀ THÔI


“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)


Suy niệm: Chúa Giê-su đặt mọi hành vi đạo đức vào một bối cảnh mới. Chúng không còn được coi như những phưong thế giúp tô điểm cho sự hoàn thiện bản thân nữa. Dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, mọi việc, đặc biệt những việc đạo đức, là những cách diễn tả lòng sùng mộ của người con hiếu thảo chỉ dành riêng cho Đấng là Thiên Chúa và là Cha của mình. Dĩ nhiên khi làm điều tốt, khi sống đạo đức, cứ sự thường mình sẽ được người đời đánh giá cao. Nhưng vấn đề trọng tâm của người con cái Chúa từ nay không phải là ở chỗ người đời có nhận biết việc họ làm hay không. Mọi việc họ làm chỉ là để cho Chúa nhìn, Chúa đánh giá. Điều mong mỏi duy nhất của họ là sau khi hoàn thành những việc đó, họ được nghe Chúa nói: “Đây là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con.”


Mời Bạn: Bạn có thuộc vào số những người con cái Chúa đó không nhỉ? Hỏi tức là đã trả lời. Câu trả lời của bạn không chỉ đơn thuần là “có”, nó phải bao hàm việc chuyển đổi tất cả động lực làm việc của bạn: làm mọi việc vì yêu Chúa và chỉ vì yêu Chúa mà thôi.


Chia sẻ: Tìm hiểu về cách phân định các động lực làm việc của mình.


Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm, tập phân định động lực làm việc của mình: Tôi đang một làm việc với động lực nào, “để phô trương công đức trước mặt người đời,” hay “để Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo” trả công cho tôi?


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biêt phụng sự Chúa hết lòng mà không chờ đợi một phần thưởng nào khác, ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.



10/03/11 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25

 

CON ĐƯỜNG CƯU ĐỘ DUY NHẤT


“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)


Suy niệm: Các nhà lãnh tụ muốn chiêu dụ người dân theo mình thì hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn: vinh hoa phú quí, quyền cao chức trọng… Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ thì nói: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” Phải chăng Chúa muốn con người đau khổ chứ không muốn con người hạnh phúc? Thưa không! Chắc chắn là Ngài muốn cho con người hạnh phúc. Bằng chứng là Ngài đã sai Con Một xuống trần để đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng sở dĩ Thiên Chúa chọn con đường Thập Giá để cứu chuộc con người chẳng những vì tội lỗi con người nặng nề, phải được đền bù cho cân xứng, mà còn vì đó là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cách mãnh liệt nhất. Và Ngài cũng muốn mời gọi con người bước đi trên con đường đó để đi theo làm môn đệ của Ngài.


Mời Bạn: Con đường “từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày” là con đường mà Con Thiên Chúa đã đi qua để cứu chuộc bạn, có lẽ nào bạn muốn đi theo Ngài mà lại không bước đi trên con đường đó? Hôm nay, bạn hãy tự hỏi bạn đi theo Thầy Giêsu, bạn mong được gì? Được lợi lộc, thú vui, địa vị, danh vọng hay để dấn thân phục vụ như Thầy?


Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh để nhắc mình luôn teho Chúa bằng con đường thập giá.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hạ, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá (Pl 2,8). Xin giúp con biết sống luôn quảng đại hiến dâng tất cả, dâng đến cả ‘chiếc phao’ cuối cùng là ý muốn riêng mình, để quyết chọn ý Chúa và chỉ chọn ý Chúa mà thôi. Amen.




11/03/11 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15

 

LÝ DO ĂN CHAY


“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15)


Suy niệm: Hôm qua Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Ai muốn theo Ngài “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” Điều chọn lựa cơ bản này đòi hỏi chúng ta biết chọn lựa cụ thể cho từng việc làm trong cuộc sống: Ăn chay hay không ăn chay? Hay nói tổng quát, việc này nên làm hay không nên làm? Xác định điều đó dựa trên chuẩn mực nào?


Người ta có thói quen nghĩ rằng tôi làm việc này vì đó là việc tốt, vì nó làm tôi trở nên người tốt. Như thế, người ta đã đặt nền tảng của sự thiện ở nơi sự việc (việc tốt), và mục đích của việc thiện là chính mình (tôi tốt). Và nếu nói rộng ra hơn: làm việc thiện để hình thành những con người tốt để xây dựng một xã hội tốt.


Điều đó đúng nhưng với Đức Ki-tô thì chưa đủ. Ăn chay hay không ăn chay là tuỳ ở nơi chàng rể. Việc này đáng làm hay không đáng làm, là tốt hay là xấu không tuỳ nơi chính việc đó mà tuỳ ở thánh ý Chúa có muốn ta làm thế hay không. Chúa Ki-tô đã hành động theo chuẩn mực đó. Ngài làm việc gì hoặc từ chối không làm việc gì, tất cả chỉ vì vâng theo ý Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi”.


Mời Bạn: Bạn muốn là Kitô hữu, là môn đệ Đức Ki-tô, bạn còn chần chờ gì mà không hành động theo chuẩn mực của Ngài?


Sống Lời Chúa: Dừng lại một giây trước khi làm một việc gì đó và tự hỏi một cách thật lòng: Chúa có muốn tôi làm việc này không?


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết nói lời này của Chúa trước khi làm việc gì: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con một theo ý Cha mà thôi.”



12/03/11 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32

 

ĐỨNG DẬY VÀ ĐI THEO CHÚA!


Đức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy theo Người.
(Lc 5,27-28)


Suy niệm: Một người đang “an cư lạc nghiệp” như Lê-vi không dễ gì đứng dậy rời bỏ chiếc ghế thu thuế êm ả vững chắc của mình để dấn thân vào một cuộc sống đầy bất trắc rủi ro. Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu “bốc” Lê-vi ra khỏi trạm thu thuế. Tính khẩn thiết của lời rao giảng “sám hối và tin vào Tin Mừng” khiến Chúa Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi, không chỉ Lê-vi mà hết mọi người “đứng dậy” ra khỏi cuộc sống tội lỗi để “đi theo Người.” Và cũng chẳng phải vô tình mà Lê-vi “đứng dậy theo Người.” Ông đã được đánh động sâu xa bởi Chúa Giêsu chẳng những quên hết quá khứ tội lỗi mà còn tín nhiệm chọn gọi ông làm môn đệ của Ngài.


Mời Bạn: Không ít người Ki-tô hữu tưởng rằng, con người thời đại hôm nay không muốn nghe Lời Chúa, nên không cần phải loan báo Tin Mừng. Nhưng thực ra, như Đức Hồng Y Suenens nhận định, không phải con người hôm nay mắc bệnh điếc, mà vì Ki-tô hữu mắc bệnh câm nên không nói với bạn bè về niềm tin của mình. Người ta không thấy tính khẩn thiết của sứ mạng, còn Chúa Giêsu thấy và đang cần nhiều người cho công cuộc truyền giáo. Mỗi ngày bạn đã nói về Chúa cho những ai, đã làm chứng cho Chúa được bao nhiêu lần? Hay bạn đang câm lặng trước nhu cầu nghe Tin Mừng của con người thời đại?


Sống Lời Chúa: Mỗi sớm thức dậy, bạn dâng lên Chúa một việc sẽ làm với ý chỉ truyền giáo.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết mau mắn như Lê-vi, đứng dậy bước theo Chúa và làm chứng cho Chúa.




13/03/10 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – A
Mt 4,1-11

 

XATAN KIA, XÉO ĐI!


"Đức Giê-su liền nói: “Sa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4,10)


Suy niệm: Ma quỷ bắt đầu cám dỗ Chúa Giêsu từ nhu cầu ăn uống. Sau 40 ngày đêm ăn chay Chúa cảm thấy đói; mà đói thì phải ăn, đó là nhu cầu căn bản và chính đáng nhất của con người. Không dừng lại đó, ma quỷ còn cám dỗ bằng miếng mồi quyền lực danh vọng và lợi lộc trần thế. Đó cũng là những ước muốn thâm sâu của con người. Mọi cơn cám dỗ đều giống nhau ở chỗ bắt đầu từ những điều có vẻ tốt nhưng mục đích cuối cùng là lôi kéo ta lìa bỏ Thiên Chúa để thờ lạy ma quỷ. Trước những cơn cám dỗ, Chúa Giêsu phân định cách rõ ràng và chọn lựa cách dứt khoát: “Sa-tan kia, xéo đi!” Đối với Ngài, không có vấn đề du di, thoả hiệp với ma quỷ; trái lại chỉ một mình Thiên Chúa và thánh ý Ngài mà thôi.


Mời Bạn: Sa-tan không bao giờ từ bỏ ý định cám dỗ và lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giê-su cách chống trả ma quỷ: không dung dưỡng, trái lại quyết liệt chống lại chúng ngay khi chúng vừa xuất hiện.


Chia sẻ: Bạn vẫn thường bị cám dỗ về điều gì : của cải vật chất, danh vọng, lạc thú hay quyền lực…? Làm thế nào để xua đuổi chúng?


Sống Lời Chúa: “Sa-tan kia, xéo đi!” phải là câu nói đầu tiên và thường xuyên trên môi của người tín hữu trước các cám dỗ trong cuộc sống.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, các cám dỗ thường có vẻ đẹp đẽ, dễ thương, quyến rũ nhằm làm con lạc xa đường Ngài. Xin giúp con biết nhờ Lời Chúa để phân định, và ban sức mạnh giúp con chiến thắng âm mưu của ác thần. Amen.


 

 

14/03/11 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt 25,31-46

 

YÊU THƯƠNG ĐÍCH THỰC


“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mc 25,40)


Suy niệm: Tình yêu thương và sự khiêm hạ là hai đặc điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chính vì yêu mà Chúa đã xuống thế làm người, đã “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7). Chúa đã sống trọn tình yêu là chấp nhận sinh ra và lớn lên ở giữa những người nghèo khổ, hèn kém nhất trong xã hội, Chúa Giêsu luôn đồng hoá mình với họ, để yêu thương họ. Động lực cho mọi hoạt động của Chúa là tình yêu; đối tượng ưu tiên của Người là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị khinh bỉ và bị gạt ra bên lề xã hội. Chúa cũng đã từng dạy các tông đồ: “Hãy trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,4). Chúa còn nói mạnh hơn: những người bé nhỏ nhất chính là hiện thân của Chúa; yêu thương, giúp đỡ họ là yêu thương và giúp đỡ chính Chúa. Đây là giới răn riêng của Chúa, là dấu hiệu nhận biết ai môn đệ của Ngài và là điều kiện để được dự phần hạnh phúc với Chúa ở đời sau, vì: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8a).


Mời Bạn: Vì sống khép kín, chúng ta thường không nhận ra đối tượng để trao ban tình thương yêu. Hãy mở mắt nhìn xung quanh, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy còn rất nhiều những con người bé nhỏ, đang cần bạn giúp đỡ. Đó là hình ảnh Chúa Giêsu mà bạn đang tìm kiếm và yêu thương.


Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể đối với người anh chị em đang sống gần bạn.


Cầu nguyện: Xin giúp con luôn biết chọn sống yêu thương như chính Chúa đã dạy và sống cho con. Amen.



15/03/11 THỨ BA TUẦN 1 MC
Mt 6,7-15

 

TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM


“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.” (Mt 6,9)


Suy niệm: Cảnh chen lấn dẫm đạp, mua bán tiền âm phủ, xin ấn… tại các đền chùa ngày lễ hội làm nóng lên vấn đề cầu xin khấn vái với thần thánh không: có nên không? nên thế nào? Chúa Giêsu dạy ta đến với Thiên Chúa như người con cái thân thưa cùng Cha trên trời. Không cần nhiều lời. Cầu nguyện với Cha cốt ở tâm tình yêu mến sâu xa bên trong. Cầu nguyện với Cha là hiện diện với Cha, nâng tâm hồn lên cùng Cha, muốn điều Cha muốn, xin Cha ban những gì ta cần để sống và làm con Cha như lòng Cha mong muốn. Lời cầu Chúa dạy đi từ trái tim đến trái tim: từ trái tim người con nơi trần thế đến trái tim Vị Cha chung trên trời.


Mời Bạn: Ai đó đã nói: cầu nguyện là sức mạnh của con người và yếu đuối của Thiên Chúa. Câu nói hơi quá đáng này có ý đề cao khả năng của lời cầu. Tuy nhiên muốn được thế, lời cầu phải xuất phát từ trái tim chứ không phải chỉ từ môi miệng. Cần cầu xin với lòng khiêm tốn chân thành và ‘khẩu niệm tâm suy’ vừa đọc suy gẫm, hòa tâm tình với lời kinh mình đọc.


Chia sẻ: Người Công giáo Việt Nam ưa chuộng cầu nguyện bằng đọc kinh, lần chuỗi. Thử coi lại việc đọc kinh, chúng tôi cần chấn chỉnh gì trong cách bắt kinh, đọc kinh tại gia đình, hay cộng đoàn giáo xứ không?


Sống Lời Chúa: Được thưa chuyện với Thiên Chúa, được sống kết hiệp với Ngài là niềm hạnh phúc cho tôi. Tôi năng nhớ Chúa và cầu nguyện với Ngài. Dù bận rộn, nhưng tôi sẽ cố gắng thu xếp để có giờ đọc kinh ban sáng, ban tối trong gia đình.


Cầu nguyện: Hát kinh Lạy Cha.